Monday 13 December 2010

Ủy ban điều tra của quốc hội: công cụ giám sát chính phủ

Ủy ban điều tra (UBĐT) của Quốc hội (QH) vốn là một thiết chế có mặt trong hệ thống chính trị của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt phổ biến ở phương Tây (Mỹ, Canada và các nước châu Âu). Tại châu Á, một số nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia cũng có thiết chế này.

Ở Việt Nam, Điều 4 Luật Tổ chức QH, Điều 7 Luật Hoạt động Giám sát của QH đều quy định, cơ quan quyền lực cao nhất có quyền thành lập ủy ban lâm thời để điều tra về một vấn đề nhất định. Tuy vậy, trên thực tế, chưa bao giờ QH thành lập một ủy ban như vậy. Duy nhất một lần, tại kỳ họp cuối năm 2003, Đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) đề nghị lập UBĐT về giáo dục, song đề nghị không thành hiện thực. Do đó, có thể nói cho đến nay, chúng ta chưa từng có tiền lệ về hoạt động của UBĐT của QH.

Vậy UBĐT của QH thực chất là gì? Trên thế giới hiện nay, có lẽ Mỹ là nước nơi thiết chế này được hình thành sớm nhất: UBĐT QH của Mỹ đã tham gia vào hoạt động của QH từ năm 1792. Đó là một tổ chức thuộc nhánh lập pháp, dưới cấp QH (Nghị viện Liên bang), chuyên điều tra về hoạt động của nhánh hành pháp, kể cả Tổng thống.

UBĐT của QH Mỹ - họ làm gì?

Luật pháp Mỹ quy định QH có quyền và có trách nhiệm điều tra và giám sát nhánh hành pháp và các cơ quan trực thuộc như Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp. Để thực thi trách nhiệm này, QH có thể triệu tập quan chức cao cấp để buộc họ trả lời “thẩm vấn”, có thể ra lệnh tiến hành kiểm toán các cơ quan. Đặc biệt, QH có quyền tổ chức điều trần về các vấn đề thuộc quan tâm chung của dư luận, nhằm một số mục đích: để cho người dân tuyên bố công khai các thắc mắc, bất bình của họ; để QH xem xét việc làm luật (ra luật mới, điều chỉnh luật hiện hành…); hay để nâng cao nhận thức của công chúng về một vấn đề nào đó.

Tất cả những việc đó, QH Mỹ thực hiện thông qua một thiết chế gọi là “ủy ban điều tra” (congressional investigation). Trong lịch sử nước Mỹ, từng có nhiều cuộc điều tra lớn của QH, cho thấy tầm quan trọng của thiết chế này cũng như quyền lực tối cao của cơ quan lập pháp trong việc thanh kiểm tra những vấn đề công luận quan tâm. Năm 1972, QH Mỹ lập UBĐT Tổng thống Nixon nhân vụ bê bối Watergate. Năm 1986-1989, điều tra việc Mỹ bán vũ khí cho Iran. Đặc biệt, vào cuối thập niên 1990, điều tra Tổng thống Bill Clinton về scandal tình dục của ông với Monica Lewinsky, và về khả năng kết tội Clinton khai man, lừa dối, cản trở tư pháp làm việc trong vụ này. Điều thú vị là Hạ viện Mỹ buộc tội Clinton song Thượng viện lại bác bỏ. Tuy nhiên quyền lực của QH, thậm chí quyền tiến hành điều tra những chi tiết thuộc về đời sống riêng tư nhất của Tổng thống, là một thực tế đã được khẳng định qua vụ việc trên.

Giới nghiên cứu cho rằng, UBĐT của QH đóng một vai trò quan trọng và rất cần thiết trong nền chính trị Mỹ, vì hai lý do. Thứ nhất, đó là cách để QH xác định xem xã hội đang có vấn đề nào tồn tại và cần một đạo luật như thế nào để giải quyết. Thứ hai, những cuộc điều tra như vậy phơi bày những hành vi, hoạt động nguy hiểm, có hại cho tài sản quốc gia, mà cái đặc biệt là những hành vi và hoạt động đó, nếu không phi pháp, thì không thể bị xử lý bởi các cơ quan thực thi pháp luật. Nói cách khác, đó có thể là những hoạt động kinh tế tuy được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật nhưng lại có hại cho quốc gia.

Thế kỷ 21, UBĐT của QH Mỹ vẫn tiếp tục phát huy vai trò. Một loạt các vụ việc Enron, WorldCom, và thảm họa bão Katrina, đều được đưa ra điều tra chi tiết.

Hungary: vụ bùn đỏ sẽ “lên thớt”

Mỹ là quốc gia có truyền thống tam quyền phân lập, nên sự tồn tại của UBĐT của QH ở nước này ngay từ thế kỷ 18 không phải điều khó hiểu. Tuy nhiên, thiết chế tương tự cũng đã được hình thành tại nhiều nước khác, chẳng hạn các quốc gia Đông Âu sau cải cách về chính trị. Hungary có thể coi là một ví dụ. Nhà báo Hoàng Nguyễn, định cư tại Budapest gần 30 năm nay, cho biết, ở Hungary, việc thành lập các UBĐT của quốc hội là việc… như cơm bữa, để xem xét bất cứ vấn đề gì bị cho là nổi cộm trong xã hội hoặc trên chính trường.

Trước đây, cần có sự đồng ý của đa số dân biểu (50% + 1) để thành lập một UBĐT, nhưng vào năm 1994, liên minh cầm quyền khi đó (chiếm 2/3 đa số trong Quốc hội) đã tỏ ra hào hiệp khi sửa đổi Luật Quốc hội để tạo điều kiện cho phe đối lập cũng có thể đề xướng việc thành lập UBĐT. Sau vài lần tranh cãi, sửa đổi, hiện tại, chỉ cần 20% số dân biểu ủng hộ đề xướng là có thể thành lập UBĐT của QH.

Trái với các ủy ban thường vụ QH (mang tính thường trực), UBĐT mang tính tạm thời, chỉ tồn tại trong những khoảng thời gian nhất định và chấm dứt khi công việc đã được hoàn thành, nghĩa là một dạng cơ quan vụ việc (ad hoc). Nó được thành lập theo từng vụ cụ thể, dưới sự đề xướng của một đại biểu nào đó (thông thường đứng sau họ là các đảng). Nếu đủ tỉ lệ ủng hộ, QH sẽ ra nghị quyết thành lập.

Theo ông Hoàng Nguyễn, “thông thường, các UBĐT được thành lập để truy trách nhiệm của chính phủ, nên dễ hiểu là các dân biểu đối lập hay đề xướng thành lập nó hơn là các dân biểu thuộc phe cầm quyền”. Tuy nhiên mới đây, đảng Jobbik đã đề xướng – và được đảng cầm quyền Fidesz (Liên đoàn Thanh niên Dân chủ) cùng đảng đối lập MSZP (đảng Xã hội) ủng hộ - việc lập một UBĐT để tìm hiểu nguyên nhân và truy tìm thủ phạm sự cố bùn đỏ, dự tính hoạt động trong vòng một năm.

Thành viên của UBĐT là các dân biểu, họ không được trả thêm lương cho công việc này. Kết quả điều tra sẽ được viết thành báo cáo chuyển cho quốc hội, quốc hội sẽ thảo luận để thông qua hoặc bác bỏ báo cáo đó. Những phiên họp của UBĐT là công khai với báo chí, trừ trường hợp cần bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật công tác. Biên bản các cuộc họp của UBĐT được công bố trên trang chủ của Quốc hội Hungary để bất cứ ai quan tâm đêu có thể tiếp cận.

Từ thời cải cách tới nay, UBĐT của QH Hungary đã nhiều lần tiến hành những cuộc điều tra lớn trong nhiều vụ việc kinh tế, chính trị, xã hội… được công luận chú ý đặc biệt. Chẳng hạn, năm 1998, điều tra về việc một số chính khách và nhân sĩ bị theo dõi bí mật và bất hợp pháp trong thời kỳ 1994-1998. Năm 2000, điều tra về tài sản của các dân biểu. Năm 2002, điều tra về hoạt động và quá khứ liên quan đến cơ quan an ninh quốc gia (mật vụ) của Thủ tướng. Năm 2005, điều tra về sự làm giàu từ nguồn tiền nhà nước của gia đình ông Viktor Orbán (cựu, và hiện là đương kim Thủ tướng Hungary). Năm nay, ủy ban vừa tiến hành điều tra về nguyên nhân và trách nhiệm trong các vụ bạo loạn diễn ra vào mùa thu năm 2006 tại Hungary, và tiến tới đây sẽ là sự cố bùn đỏ…

UBĐT của QH cũng đã và đang hoạt động mạnh tại một số nước châu Á, trong đó nổi lên là Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia. Tuy thế, vì nhiều nguyên nhân, những thiết chế này tập trung một cách đặc biệt rõ nét vào công việc “phòng chống tham nhũng”, chứ không hoạt động sâu rộng như ở Mỹ hay Hungary, nơi QH có thể điều tra bất cứ vụ việc gì mà một tỉ lệ nhất định các đại biểu cho thấy cần thiết. Riêng tại Thái Lan, nhiều nhà phân tích phương Tây cho rằng vẫn tồn tại những hạn chế đối với một cơ quan như UBĐT, chẳng hạn Hoàng gia Thái Lan luôn là một thành lũy “bất khả xâm phạm”.

Còn việc để có “một tỉ lệ nhất định các đại biểu” thì lại là một vấn đề khác, liên quan tới khái niệm “lobby” (vận động hành lang) trong quốc hội, cũng là một lĩnh vực cần có luật pháp điều chỉnh.

Kỳ sau: Lobby - Chuyện vận động hành lang



http://phapluattp.vn/20101201120146455p1017c1079/cong-cu-giam-sat-chinh-phu.htm