Saturday 18 December 2010

Lobby - chuyện vận động hành lang

Đó không phải là sự lén lút, “đi đêm” nhằm trục lợi. Đó là một nghệ thuật mà ở khía cạnh tích cực, nó mang lại lợi ích rất lớn cho người lobby; mang lại thông tin cho người được lobby và lợi ích chung cho xã hội.

Lobby được định nghĩa là “hình thức vận động nhằm mục đích gây ảnh hưởng lên các quyết định của chính quyền để phục vụ một lợi ích cụ thể nào đó”. Hoạt động này do các cá nhân (tức nhà vận động hành lang), tổ chức (nhóm lobby) tiến hành, nhằm vào quan chức chính phủ, giới lập pháp, thậm chí cả cơ quan tư pháp.

Một câu chuyện cười

Có một câu chuyện cười thế này: Tại phiên họp quốc hội ở một xứ kia, đến lượt một nghị sĩ phát biểu. Ông ta bức xúc: “Báo cáo với Quốc hội là tôi sắp phải kể một câu chuyện rất khó chịu liên quan tới công ty ABC. Bọn ABC thật đáng ghét. Chuyện là thế này, thưa quốc hội. Hôm qua có một tay tự nhiên đến gõ cửa nhà tôi, xưng là người của hãng ABC. Hắn đề nghị tôi cái gì các vị biết không. Ôi, thật là xúc phạm. Hắn bảo ABC sẽ trả cho tôi 1 triệu đôla để nói từ “ABC” bảy lần trước Quốc hội ngày hôm nay. Tất nhiên là tôi đã nổi giận. Tất nhiên là tôi đã tống cổ cái thằng cha đại diện bọn ABC hỗn láo ấy đi ngay lập tức. Nhưng mà, báo cáo Quốc hội, thật sự là tôi không thể nào không thể hiện nỗi bức xúc của mình ra đây được. Cái bọn ABC này thật sự là quá lắm. Tôi không thể nào mà không đưa chuyện của chúng nó ra đây để chửi cho chúng nó một trận được. Chỉ mong từ giờ không có thằng cha ABC nào đến làm phiền bất cứ ai trong số chúng ta. Cũng mong là các vị hết sức cảnh giác với cái tên ABC. Đấy, xin báo cáo Quốc hội là như thế”. (Hóa ra, ông nghị sĩ ấy đã đề cập đến “ABC” đến hơn bảy lần!)

Tất nhiên đây chỉ là một câu chuyện cười nhưng nó cũng phản ánh phần nào mối liên hệ giữa các nhà lập pháp (nghị sĩ, đại biểu quốc hội) với các nhóm lợi ích. Và đó là bản chất của hiện tượng lobby - vận động hành lang - một hoạt động hợp pháp trong đời sống chính trị của nhiều nước trên thế giới.

Mang lại thông tin cho chính khách

Luật pháp ở các nước phương Tây (Mỹ, châu Âu) từ lâu đã công nhận hoạt động lobby. Người ta cho rằng lobby là một phần hợp lý và cần thiết của dân chủ, nó mang lại nhiều lợi ích: Các cá nhân và tổ chức, thông qua lobby, có thể góp phần hợp lý vào các quyết định chính trị vốn dĩ có thể ảnh hưởng tới họ và trong nhiều trường hợp là tới cả xã hội. Còn chính quyền thì nhờ có lobby mà tiếp cận được với các luồng thông tin và quan điểm từ xã hội.

Bên cạnh chính phủ và quốc hội, các nhóm lobby thậm chí còn có thể tác động cả tới nhánh tư pháp. Vào những năm 50 của thế kỷ XX, ở Mỹ, Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu đã từng đệ đơn kiện lên tòa án bang và liên bang, đồng thời tiến hành vận động chống các đạo luật phân biệt chủng tộc. Nỗ lực của họ đưa đến kết quả Tòa Tối cao Mỹ tuyên bố những đạo luật đó vi hiến.

Tại Mỹ, hầu như vào bất kỳ thời điểm nào cũng có hàng trăm vụ việc ở các tòa án bang và liên bang, với các nhóm lobby theo đuổi vận động, thưa kiện, nhằm mang lại chiến thắng cho họ hoặc cá nhân, tổ chức đã thuê họ làm đại diện. Nhiều vụ lớn được đưa lên mục tin nổi bật trên báo chí, càng giúp cho các nhóm lợi ích liên quan được thêm nhiều người biết đến. Tại Anh, dịch vụ lobby chuyên nghiệp là một ngành kinh doanh tăng trưởng ổn định suốt những năm vừa qua, với sự tham gia của đông đảo công ty tư nhân và nhà tư vấn độc lập. CIPR, một viện nghiên cứu về quan hệ công chúng (PR), ước tính nước Anh có khoảng 48.000 người hành nghề PR, và 30% trong số đó làm nghề lobby hay gọi cách khác là “quan hệ chính phủ”. Vậy nếu tổng giao dịch của thị trường PR nói chung trị giá 6,5 ngàn tỉ bảng thì doanh thu của lobby ở vào khoảng 1,9 ngàn tỉ bảng Anh (năm 2007).

Lợi ích xã hội

Bên cạnh lực lượng công ty PR và nhà tư vấn độc lập coi lobby là dịch vụ kinh doanh, còn có rất nhiều cá nhân/tổ chức làm lobby khác như các hội nghề nghiệp, NGO, công đoàn, hội từ thiện…

Tổ chức Friends of the Earth (Bạn của trái đất) tự giới thiệu rằng họ đã lobby thành công rất nhiều vụ việc, ví dụ như “góp phần bảo vệ Nghị định thư Kyoto, thuyết phục nghị sĩ, thúc đẩy Nghị viện Anh thông qua tám đạo luật trong tám năm”.

Một tổ chức khác thì thực hiện chương trình “Tighten the Net” (Siết chặt Internet). Họ tuyên bố đã tác động thành công khiến Bộ Nội vụ Anh phải chi 1,5 triệu bảng cho việc giáo dục thanh thiếu niên Anh về tác hại của Internet.

Thực tế ở các nước phương Tây cho thấy trong quá trình hình thành, các chính sách luôn phải chịu rất nhiều áp lực và ảnh hưởng. Việc can thiệp để định hình chính sách gồm rất nhiều hoạt động được tiến hành đồng loạt, đồng thời, từ tiếp xúc trực tiếp với quan chức chính phủ, đại biểu quốc hội đến xúc tiến quan hệ với báo chí. Do đó, bản thân báo chí cũng được coi là một lực lượng lobby. Ở Anh, một đạo luật chống chó dữ, chó dại đã đi vào hiệu lực năm 1991, sau một loạt tin tức trên báo về các vụ trẻ em bị chó tấn công, kèm với đó là các bài xã luận đề nghị cơ quan lập pháp phải có luật ngăn chặn những tai nạn kiểu này.

Hoạt động lobby được tiến hành nhằm vào cả giới hành pháp lẫn lập pháp. Viện CIPR đã tiến hành khảo sát các nhà lobby, đại đa số cho rằng “lobby nghị viện quan trọng hơn lobby chính phủ”. Thống kê cũng cho thấy nhiều nghị sĩ rất “đắt sô”, được các nhà lobby tiếp xúc tới 100 lần một tuần, tất nhiên là cũng tùy vấn đề nào quan trọng hay không. 22% số nghị sĩ Anh được giới lobby “thăm hỏi” hơn 50 lần/tuần.

Một điều lạ là trái với quan niệm cho rằng các công ty PR dễ tiếp xúc với giới nghị sĩ và nhà làm chính sách hơn cả nhờ có nguồn lực tài chính, các nghị sĩ được hỏi đều nói rằng họ cảm thông hơn và do đó thường bị thuyết phục bởi các tổ chức NGO, các hội thiện nguyện hơn là bởi các công ty lobby chuyên nghiệp.

Điều kiện tiên quyết: Công khai, minh bạch

Như đã nói, lobby vốn là một hoạt động hợp pháp và cần thiết trong sinh hoạt nghị trường ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại của lobby là: nó phải diễn ra một cách công khai, minh bạch. Nếu không minh bạch thì nó sẽ chỉ là sự “móc ngoặc” để trục lợi giữa chính quyền và các nhóm lợi ích có liên quan.

Năm ngoái, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Francis Maude từng tổng kết ngắn gọn về điều kiện đối với các nhà vận động hành lang khi ông yêu cầu họ “thứ nhất, bước ra khỏi bóng tối; thứ hai, công khai khách hàng của mình”, nghĩa là lobby phải diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật và công chúng phải được biết cá nhân, tổ chức nào đang tiến hành hoạt động lobby (hoặc đang thuê ai làm lobby).

Các nước công nhận hoạt động lobby đều có luật điều chỉnh lĩnh vực này. Tinh thần chung của các đạo luật là buộc những cá nhân/tổ chức lobby chuyên nghiệp phải đăng ký hành nghề và có báo cáo định kỳ, thường xuyên. Ngoài ra còn nhiều hạn chế chi tiết khác đối với lobby, chẳng hạn Luật Minh bạch và Giải trình trong lập pháp (năm 2006) của Mỹ quy định: Cấm những người lobby biếu quà cho các nhà lập pháp hay mời họ đi ăn; người lobby phải thường xuyên giải trình chi tiết hoạt động của họ và đăng nội dung trên công báo.

Nhìn rộng ra, sự công khai minh bạch là nền tảng của mọi hệ thống chính trị có chất lượng tiến bộ. Về điểm này, Bộ trưởng Francis Maude, đảng viên đảng Bảo thủ Anh, đã khẳng định: “Rất cần phải công khai, minh bạch hơn nữa để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn cao của đời sống chính trị. Nếu ngành lobby không tự điều chỉnh được theo hướng này thì sẽ phải có luật để buộc các nhà lobby phải giải trình nhiều hơn”.

***

Vì sao lại gọi là lobby?

Trong tiếng Anh, từ “lobby” vốn có nghĩa là “sảnh, hành lang”. Có giả thuyết cho rằng động từ “lobby” với ý nghĩa “vận động hành lang” xuất phát từ việc các thành viên Quốc hội Mỹ hay tụ tập ở hành lang của tòa nhà Quốc hội trước và sau mỗi phiên tranh luận. Theo một giả thuyết khác, cựu Tổng thống Ulysses S. Grant của Mỹ, thời còn đương nhiệm, đã dùng từ “lobby” để ám chỉ việc làm của những người thường xuyên lui tới sảnh khách sạn Williard ở Washington DC để tìm cách tiếp cận Grant - ông hay đến đó để trốn vợ hút xì gà và uống rượu brandy.

Các nhà nghiên cứu cho rằng động từ “lobby” mang nghĩa “vận động hành lang” đã xuất hiện trên giấy tờ từ năm 1820: “Những bức thư khác từ Washington khẳng định rằng mỗi khi có vấn đề cần thỏa thuận ở Hạ viện, các thành viên của Thượng viện đã không chỉ “lobby xung quanh Hạ viện” mà còn tìm đủ cách đe dọa các đại biểu yếu thế…”.


http://phapluattp.vn/20101203102837572p1017c1079/lobby-chuyen-van-dong-hanh-lang.htm