Saturday 2 October 2010

Hà Nội đáng yêu, đáng giận, đáng thương

Tôi vừa trở về Hà Nội sau một đợt công tác tại TP.HCM. Như mọi cuộc đi và về khác, chuyến công tác này cũng để lại trong tôi nhiều cảm xúc cả vui và buồn.

Phần lớn là niềm vui, vì những tấm lòng bạn bè miền Nam cởi mở, chân thành, tự nhiên – lẽ ra phải nói là “tự nhiên như người Sài Gòn” mới đúng. Chẳng mấy khi ở Hà Nội mà tôi có thể nắm tay các bạn nhảy múa, có thể hô một tiếng “nhậu đi” rồi kéo nhau ra bờ kè, tức kênh Nhiêu Lộc, ăn uống và đàn hát trắng đêm.

Chẳng mấy khi ở Hà Nội tôi có thể điềm nhiên bước vào một nhà hàng hay quán nước, ngồi vắt chân và chờ cô hay cậu bồi bàn tiến lại, lễ độ: “Dạ, chị dùng gì?”. Tôi sẽ trả lời ngắn gọn và chờ được phục vụ rất nhanh chóng sau đó, gọn gàng, khẽ khàng, không xủng xoẻng như thể sắp làm vỡ ráo cả mớ chén bát, ly cốc. Tôi cũng sẽ không phải nhìn những bộ mặt lạnh băng, và nhất là không bị người phục vụ “khuyến mãi” cho một ngón tay cái ngập vào bát nếu như tôi có lỡ gọi món phở.

Sài Gòn rộng thênh thang, nhiều hàng quán, nhiều đồ nhậu ngon rẻ và nhiều chỗ vui chơi mở cửa tới khuya. Nói chung ở đó, một “người Hà Nội khắc khổ” là tôi có cảm giác được hưởng thụ hơn một chút.

Nhưng sau những niềm vui, cũng đọng lại cả nỗi buồn. Một nỗi buồn, như dân teen bây giờ hay nói, “rất chi là bao đồng”.

Người Hà Nội xấu xí

Nỗi buồn ấy thực chất là cảm giác tủi thân và xót xa khi thấy nhiều người Sài Gòn không ưa Hà Nội đến thế. Điều này được thể hiện một cách không giấu giếm, qua những lời bình phẩm, qua thái độ - vốn chân thật – của người Sài Gòn. Dân Sài Gòn, cụ thể là nhiều người tôi đã gặp, nghĩ về Hà Nội như một cái gì rất thủ cựu, lạc hậu, chậm tiến, đã thế lại còn kênh kiệu, tự cho mình là thủ đô thanh lịch, tóm lại là tệ hại.

Câu cửa miệng là “dịch vụ ngoài đó chán lắm phải không?”, “ngoài đó lừa đảo nhiều lắm phải không?”. Có lần, ở một quán nước trong TP.HCM, khi chúng tôi muốn rời từ bàn này sang bàn khác, bạn tôi ngoắc người phục vụ, ra hiệu “chuyển bàn giùm”. Sau khi chúng tôi đã yên vị ở chỗ ngồi mới, bạn hỏi tôi: “Ở ngoải chắc phục vụ không kê bàn ghế cho khách đâu hả, mình phải tự làm hả?”. Ấn tượng về “phở quát, cháo chửi” in vào tâm trí các bạn quá sâu nặng rồi.

Ăn một món gì đó, tôi cũng có thể được nghe giới thiệu: “Ở ngoài Hà Nội không có cái này đâu nha”.

Thời gian gần đây, gây mất thiện cảm nhất cho người Sài Gòn có lẽ chính là… chiến dịch mừng Đại lễ 1000 năm của Hà Nội. Một chiến dịch gắn với đủ loại bê bối: sơn vàng phố cổ, lát ngói xanh vỉa hè, bươi nát vỉa hè. Hà Nội nghìn năm thành đại công trường khói và bụi. Rồi mùa hè đổ lửa với 45 độ ngoài trời tháng sáu, cúp điện World Cup, ngập lụt mưa tháng bảy. Thủ đô gì mà mưa xuống một tí, ba người chết vì điện giật, một người bị rắn cắn. Rồi hàng tỷ đồng xây cổng chào, làm phim Lý Công Uẩn “lai Tàu”. Vân vân, vân vân. Động vào đâu cũng nghe và thấy bê bối, lãng phí, thẩm mỹ kệch cỡm, văn hóa lùn. Một không khí “nhốn nháo kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội”.

Hình ảnh Hà Nội trong mắt người dân TP.HCM giờ đây có lẽ hỏng mất rồi.

Nguồn ảnh: VOVGT (VOV Giao thông)

Đáng thương hơn đáng giận

Tôi buồn, vì ngay trước mặt tôi, các bạn miền Nam của tôi thể hiện suy nghĩ và nói về Hà Nội tiêu cực như thế. Một Hà Nội thủ đô thủ cựu, lạc hậu, xấu xí. Khi nghĩ vậy về Hà Nội, Sài Gòn - TP.HCM cũng mặc nhiên nhận về mình những gì là tiến bộ, văn minh, đẹp đẽ.

Nỗi buồn sở dĩ mang màu sắc “bao đồng” bởi tôi không muốn thấy trong cùng một đất nước, người dân hai miền – mà là hai thành phố thuộc hàng hiện đại nhất nước - mãi giữ những ấn tượng không tốt đẹp về nhau.

Đến bao giờ người Việt Nam mới biết đoàn kết, thương yêu nhau?

Hà Nội có thực tệ hại? Đặt sang một bên tình cảm gắn bó với nơi mình sinh ra và lớn lên, tôi phải trả lời thành thực rằng: Có, Hà Nội khá tệ hại, càng tệ hại hơn khi đó là một thủ đô, được kỳ vọng là nơi thanh lịch nhất, nơi hội tụ và kết tinh nền văn hóa của cả một đất nước có chiều dài 4000 năm lịch sử. Có thể không tới con số 4000, nhưng thủ đô của một quốc gia thì rõ ràng phải là bộ mặt đại diện cho văn hóa của xứ sở. Nhưng Hà Nội, ngoại trừ một vài tuyến phố “linh thiêng”, bẩn quá, bụi quá, lắm rác quá.

Những người chúng ta gặp trên phố phần đông là thô lỗ, ích kỷ, hiếu chiến. Họ có thể vượt đèn đỏ vì không chờ nổi vài chục giây ở ngã tư, phóng long tóc gáy, như thể đang bận rộn lắm, hối hả lắm, thế rồi nhác thấy một tai nạn giao thông thì dừng lại xem, mất toi 45 phút. Họ sẵn sàng tranh cướp nhau từng mét đường mỗi lúc kẹt xe, và rất nhiệt tình ném vào mặt nhau những lời tục tĩu nhất. Có thể không ít trong số họ là người có học, nhưng không hiểu sao cứ hễ ra ngoài đường là cái tinh túy của Chí Phèo lại phát tác.

Có lẽ do hoàn cảnh. Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng con đường làm nên tính cách người đi đường. Bụi thế, chật chội thế, ồn ào thế, một năm mấy tháng trời nóng thế, lại thêm cuộc sống vội vàng gấp rút, người ta hòa nhã với nhau làm sao được.

Đã từng có thời

Chắc là do hoàn cảnh. Bởi, điều làm tôi băn khoăn về tính cách Hà Nội, là hình như đã từng có thời người Hà Nội không thô lỗ, hung bạo. Không lẽ câu “chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” là một câu ca dao không có chút cơ sở thực tế nào?

Ông tôi, cụ giáo trường Hàng Kèn năm xưa, sinh thời từng thủ thỉ với tôi rằng: “Trước năm 1954, trẻ con Hà Nội không biết chửi bậy”. Chẳng biết trí nhớ của ông có ghi nhận đúng đặc điểm đó của trẻ con thủ đô không, nhưng bản thân ông thì đúng là không biết nói tục, không văng bậy được dù chỉ một từ. Đi trên phố, mỗi lần thấy đám tang qua, ông lại dừng bước, cung kính ngả mũ chào người vừa qua đời. Không bao giờ ông nói nặng với ai một câu. Ngay với đám cháu lít nhít nội ngoại, có sai các cháu làm gì, ông cũng dùng lời lẽ hết sức lịch thiệp: “Nếu có thể, cháu giúp ông…”.

Những người giúp việc trong nhà rất quý ông, “cụ giáo Hàng Kèn”. Chắc chắn họ chưa bao giờ nghĩ ông “bóc lột”, kênh kiệu, cậy mình trí thức thủ đô khinh rẻ dân lao động ngoại tỉnh.

Từ lúc nào ở thủ đô, người lớn biết chửi bậy, rồi trẻ con theo đó mà bắt chước? Có lẽ điều này đòi hỏi chúng ta phải “truy tầm” về nguồn gốc của những từ tục của bây giờ, mà đó là việc nằm ngoài khả năng cũng như bài viết này của tôi.

Ngoài ra, tôi cũng không tin là người Hà Nội thời trước 1954 hoàn toàn không chửi bậy. Đọc hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy, thấy ông có nhắc tới những tiếng lóng, những câu hát xuyên tạc rất tục những năm 20-30 của thế kỷ trước. Nói cho đúng, ngày xưa Hà Nội phân biệt rõ ràng hơn giữa tầng lớp trí thức “có học, có chữ nghĩa” (tức “có văn hóa”) và tầng lớp bình dân, trong đó có thể bao gồm cả thành phần du thủ du thực ít văn hóa. Còn ngày nay, tầng lớp “văn hóa thấp” đã “xâm thực” khắp xã hội. Số đông cư dân ở Hà Nội hiện nay, nếu tự đánh giá mình là thanh lịch, sâu sắc, thâm trầm, thì quả là lố bịch.

Song, tôi tin không phải người Hà Nội luôn thô lỗ và kênh kiệu, cũng như không phải mọi công dân thủ đô đều có tính xấu ấy. Không phải người Hà Nội nào cũng thích ăn “phở quát cháo chửi”, cũng chẳng phải hàng quán nào ở Hà Nội cũng có những thiên-thần-mậu-dịch-viên đáng sợ.

Nhiều tính cách tệ hại của dân chúng Hà thành có lẽ đã xuất phát từ hoàn cảnh, mà nếu thực vậy thì Hà Nội đáng thương hơn là đáng giận.

… Và đáng yêu

Với riêng tôi, Hà Nội còn có sự đáng yêu, cái đáng yêu của một thành phố trẻ đang phải gồng lên làm nhiệm vụ của một thủ đô nghìn năm.

Sẽ còn rất nhiều, vô số bất cập và lộn xộn, nhưng thảng hoặc cũng có những nét cho thấy một nỗ lực của Hà Nội vươn lên làm thủ đô văn hiến. Con đường gốm sứ ven sông Hồng, tuy một số đoạn vừa hoàn thành đã nứt, nhưng nhiều đoạn màu sắc long lanh rực rỡ. Con mắt thô thiển của tôi dám chắc như thế là đẹp, và chắc chắn là đẹp hơn khi không có đường gốm sứ ấy.

Những gì là xấu xí, tiêu cực, ước mong thủ đô sẽ xóa chúng đi dần dần. Nếu tính xấu đã do hoàn cảnh mà mọc ra thì cũng có thể hy vọng chúng sẽ mất đi khi hoàn cảnh thay đổi, để một nền văn hóa mới sẽ hình thành ở Hà Nội, thanh lịch hơn, sâu sắc hơn mà cũng cởi mở hơn.

Hà Nội, trong tôi, cũng đáng nhớ nữa. Vào năm 2000, tôi từng viết trong một bức thư gửi những người bạn ở phương xa, rằng thế hệ chúng tôi may mắn được trải qua thời khắc chuyển giao thiên niên kỷ đáng nhớ, 1000 năm mới có một lần. Mấy ai được đón chào và cảm nhận thời khắc ấy? Lịch sử vốn dài đằng đẵng. Nói như Nguyễn Huy Thiệp, 1000 năm trước, biết hoa ban có trắng như bây giờ?

Nếu quan niệm như thế, tôi sẽ thấy năm 2010 này lại cũng là một thời gian đáng nhớ trong đời mình. Hàng chục triệu gương mặt người Việt Nam đã mờ nhòa trong lịch sử, nào phải ai cũng được đón sự kiện nghìn năm Thăng Long như chúng tôi đây? Để rồi mai kia một cụ ông nào đó còn có chuyện mà kể cho con cháu nghe: “Hồi ấy, ông hay đi dọc con đường gốm sứ với bà. Hơi nhiều bụi một tí, nhưng đường mát và đẹp lắm, bà cũng đẹp. Cái chỗ ấy bây giờ là gì nhỉ bà nhỉ?...”.