Monday 3 May 2010

CĂNG THẲNG THỜI HẬU CHIẾN

Khi tìm hiểu để viết về quá trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, tôi nhận thấy: Về phía Mỹ, thành phần đi đầu trong việc kết nối với Việt Nam là những cá nhân (người Mỹ, hoặc Việt kiều), những tổ chức thiện nguyện, tôn giáo, cựu chiến binh v.v. hay nói cách khác, xã hội dân sự đi trước chính phủ và vận động chính phủ theo sau.

Còn về phía Việt Nam, lực lượng đi đầu tất nhiên phải có tính "chính thống", tức là Nhà nước, hay nói chính xác là Đảng và Chính phủ. Khi Đ&CP chưa bật đèn xanh thì nhân dân không có cách nào đi trước trên con đường bình thường hóa quan hệ được.

Tôi thực hiện bài sau đây mong chỉ ra đóng góp của người Mỹ, xã hội dân sự Mỹ, trong bình thường hóa với Việt Nam. Viết về các vấn đề liên quan tới lịch sử là điều cực kỳ khó khăn, mặc dù vậy, tôi hy vọng những gì mình viết là chính xác. Nếu bạn đọc nào phát hiện thấy sai sót, xin vui lòng đính chính giúp. Ai có thông tin hoặc tư liệu gì về giai đoạn đầu trong quan hệ Việt - Mỹ thời hậu chiến, xin vui lòng hỗ trợ. Tôi rất cảm ơn.

+++++

Quan hệ Việt - Mỹ từ chiến tranh tới bình thường hóa:
KỲ 1: CĂNG THẲNG THỜI HẬU CHIẾN



Ngay sau ngày 30-4-1975, “một làn sóng tự tôn dân tộc và bài Mỹ đã lan khắp Sài Gòn. Sự chiều chuộng thường thấy đối với người nước ngoài đột nhiên biến mất. Những câu nói kiểu “Mỹ văn minh hiện đại, mình nghèo và chậm phát triển” trở thành thứ ngôn ngữ cổ. Nhiều năm phụ thuộc vào nước Mỹ để có lương cho quân đội, có đạn cho chiến trường, thời trang cho các cửa hàng làm đẹp, âm nhạc cho các quán bar và thậm chí cơm trên bàn ăn đã ảnh hưởng lớn tới tâm lý một dân tộc. Nhưng tất cả những cái đó đã mau chóng tan thành mây khói. Khi cánh cửa Dinh Độc lập bị xe tăng quân giải phóng húc đổ vào ngày 30-4 cũng là lúc hình ảnh bất khả chiến bại của nước Mỹ ăn sâu trong vài thập kỷ nay bị vỡ vụn”.

Earl Martin, một người Mỹ ở Sài Gòn trong những ngày tháng đó, đã viết như thế. Ông là thành viên của tổ chức thiện nguyện tôn giáo Mennonite Central Committee (Hội đồng trung ương giáo phái Menno). Khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975, chỉ còn thành viên của vài hội tình nguyện của tư nhân là ở lại, trà trộn cũng các phóng viên, nhà báo phương Tây.

Căng thẳng đến nghẹt thở

Nhưng lệnh cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam đã xiết chặt. Washington cắt đứt toàn bộ quan hệ ngoại giao với Hà Nội. Suốt những năm sau chiến tranh, lệnh cấm vận được thực thi nghiêm ngặt: Không có bất kỳ một hình thức bang giao nào giữa hai nước, ngoại trừ một số có chọn lọc các hoạt động vì mục đích nhân đạo như gửi thuốc men trị bệnh, sách báo nghiên cứu – nhưng ngay cả việc này cũng bị ngáng trở rất nhiều. Đơn cử, người Việt ở Mỹ muốn gửi 1-2 cuốn sách cho các viện khoa học ở Việt Nam cũng gặp khó khăn: Bị ràng buộc bởi lệnh cấm vận, bưu điện Mỹ trả lại hoặc thiêu hủy tất cả những cuốn sách tham khảo gửi về Việt Nam. Trong cuốn “Traveling to Vietnam” (Đường đến Việt Nam, 1998), tác giả Mary Hershberger nhận xét khi viết về phong trào của những nhà hoạt động hòa bình người Mỹ: “Chính phủ Mỹ đã chống lại Việt Nam trên từng bước đường đi và phong tỏa mọi mối liên hệ quốc tế của Việt Nam, ngay cả khi điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ phải liên kết với quân Khmer Đỏ ở Campuchia”.

Không khí chính trị đầy màu sắc thù địch: Tổng thống Ford phủ quyết quyền thành viên của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, đóng băng 150 triệu đôla tài sản của Việt Nam ở Mỹ, ngăn trở Việt Nam gia nhập Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Quốc hội Mỹ còn cấm vận mạnh hơn khi nghiêm cấm bất kỳ hình thức cứu trợ nào cho Việt Nam và xiết chặt các thủ tục pháp lý về nhập cư. Cũng bà Mary Hershberger cho biết, “cách duy nhất để người Việt Nam có thể vào Mỹ là trốn sang một nước thứ ba và xin tị nạn chính trị”. Một phần vì lý do này, làn sóng người Việt vượt biên qua đường biển và đường bộ tới một lãnh thổ thứ ba (Hong Kong, Thái Lan, Campuchia) càng tăng lên.

Một người Mỹ (giấu tên) theo giáo phái Quaker, đã ở bên Việt Nam từ những năm khó khăn nhất tới nay, cho biết, vết thương tâm lý của người Mỹ đã đẩy nước Mỹ vào những hành động chống lại Việt Nam, như ủng hộ phe Khmer Đỏ và Trung Quốc thời kỳ cuối thập niên 70. Tín đồ Quaker này nhận định: “Cuộc chiến của Mỹ với Việt Nam thật sự mới chỉ kết thúc vào năm 1989”.

Còn một Việt kiều Mỹ, một trong những người Việt đầu tiên có mặt trong các cuộc trao đổi giữa hai nước về vấn đề tù binh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA), thì nói: “Cuộc chiến lẽ ra đã có thể kết thúc từ ngày 19-1-1975 khi Quốc hội Mỹ ra nghị quyết cấm hành pháp chi thêm dù chỉ một đôla để viện trợ cho miền Nam Việt Nam. Nhưng lịch sử đã không diễn ra như thế. Chính cái tâm lý cần thiết cho chiến tranh lại là tâm lý rất có hại khi hòa bình. Niềm tự hào và say sưa với chiến thắng của chúng ta, hành động đi khắp nơi đòi Mỹ bồi thường chiến tranh, trả nợ máu, v.v., đã tạo ra trong tâm lý người Mỹ một vết thương cực kỳ sâu mà họ không thể chịu nổi, đi đến cấm vận hoàn toàn cả Việt Nam…”.

Không chỉ người Mỹ, những người Việt của chế độ cũ đào thoát sang Mỹ trong và sau năm 1975 cũng giữ thái độ thù địch với Việt Nam. Một số rất lớn “không đội trời chung” với cộng sản, thậm chí những phần tử cực đoan sẵn sàng hành hung, sát hại bất cứ người nào có ý định trở về Việt Nam làm ăn kinh tế, ủng hộ chính quyền trong nước. Có người ở bang Texas về thăm quê mẹ Việt Nam, quay lại Mỹ viết báo nhận định tình hình “sáng sủa hơn”, kết cục là bị một số cựu quân nhân VNCH bắn chết ngay tại nhà riêng chỉ vài ngày sau đó. Như chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành (sinh năm 1932), một trong những nhân chứng của cả hai phía thời đó, mô tả lại, động vào “vấn đề Việt Nam” cũng chẳng khác động vào tổ kiến lửa, khi “một bên thì say sưa với chiến thắng, đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào, bên kia thì chống ác thần cộng sản tới cùng”.

Những nỗ lực chật vật đầu tiên

Dễ hiểu rằng những người Mỹ hoạt động nhân đạo hoặc là tín đồ của một tôn giáo nào đó – ví dụ các giáo phái Menno, Quaker - đã là những công dân Mỹ đầu tiên duy trì và phát triển quan hệ với Việt Nam.

Gần như ngay sau khi chiến tranh kết thúc, tháng 7-1975, tổ chức American Friends Service Committee (AFSC) đã sẵn sàng gửi lưới đánh cá, sữa bột, xe cút kít gắn máy và chỉ khâu sang Việt Nam. Đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu của họ bị Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thừng bác bỏ, thậm chí Bộ tuyên bố nếu AFSC cứ tiếp tục thì có thể bị truy tố theo điều luật “Hoạt động thương mại với kẻ thù”. AFSC cũng không chịu lùi bước. Tháng 11 năm đó, họ mở một cuộc biểu tình tại 45 thành phố nhằm phản đối quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ, huy động thành viên của nhiều tổ chức thiện nguyên tôn giáo khác: National Council of Churches (Hội đồng Các nhà thờ toàn quốc), United Methodist Church (Liên hiệp Nhà thờ Giám lý), United Presbyterian Church (Liên hiệp Nhà thờ Giáo hội Trưởng lão), v.v. Hội đồng Trung ương Giáo phái Menno của Earl Martin đã cầu nguyện cả đêm trước Nhà Trắng. Cuối cùng, Bộ Ngoại giao Mỹ nhượng bộ và cấp giấy phép xuất hàng cho AFSC.

Tuy nhiên, lệnh cấm vận vẫn xiết chặt Việt Nam. Năm 1978, đàm phán về bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đổ vỡ hoàn toàn.

Mãi tới tháng 12-1991, Chính phủ của Tổng thống Bush (cha) mới giải tỏa một phần lệnh cấm vận đối với Việt Nam bằng việc cho phép các công ty Mỹ được ký với đối tác Việt Nam những biên bản ghi nhớ (nghĩa là các hợp đồng nguyên tắc, chưa có giá trị). Từ cấm vận hoàn toàn, cho đến dỡ bỏ một phần, rồi đến sự hiện diện của những doanh nghiệp Mỹ đầu tiên trên đất Việt Nam, mối bang giao Việt – Mỹ đã tiến những bước quá dài trước khi đạt tới bình thường hóa.

http://phapluattp.vn/20100502105549921p0c1013/304-va-vi-the-viet-nam-bai-3-nhung-nguoi-my-tham-lang.htm


KỲ SAU: KẾT NỐI ÂM THẦM